Tạo hình cằm V-line hay độn cằm đã trở nên quen thuộc với phái đẹp hiện đại. Phương pháp này sẽ giúp chị em phụ nữ gặp phải tình trạng cặm lẹm, cằm ngắn lấy lại vẻ đẹp tự tin. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp thẩm mỹ này còn phụ thuộc vào các yếu tố như kỹ thuật thực hiện, tay nghề bác sĩ, chất lượng vật liệu tạo hình được sử dụng,…
Hiện nay, công nghệ thẩm mỹ ngày càng phát triển với đa dạng các loại vật liệu nhân tạo hoặc chất liệu tự thân giúp tạo hình cằm V-Line phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Do đó, nhiều người băn khoăn không biết nên chọn chất liệu gì để độn cằm tự nhiên và an toàn nhất. Vậy có những loại vật liệu độn cằm nào? Loại nào mang lại vẻ đẹp tự nhiên và an toàn cho cơ thể?
Tạo hình cằm hay độn cằm là gì?
Đây là phương pháp thẩm mỹ giúp cải thiện tình trạng cằm ngắn, cằm lẹm thiếu độ nhô tự nhiên bằng cách sử dụng chất liệu tạo hình tự thân hoặc vật liệu nhân tạo chuyên dụng để tạo dáng cằm đầy đặn và cân đối với khuôn mặt. Đặc biệt, phương pháp độn cằm rất phù hợp với các chị em yêu thích dáng mặt V-line. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành làm đầy vùng cằm bằng chất liệu chuyên dụng trong thẩm mỹ, đồng thời cân chỉnh độ nhô của cằm sao cho tương xứng với tỷ lệ gương mặt. Theo đó, dựa vào tư vấn chuyên môn của bác sĩ thẩm mỹ, chị em phụ nữ có thể chọn độn cằm phẫu thuật hoặc không phẫu thuật.
Tạo hình cằm V-line giúp cải thiện tình trạng cằm lẹm, cằm ngắn hiệu quả
Những chất liệu nào được dùng trong phương pháp độn cằm?
Chất liệu tạo hình đóng vai trọng quan trọng trong thẩm mỹ cằm V-line. Bởi vì chất liệu này cần tương thích tuyệt đối với cơ thể, bền đẹp để có thể tạo nên chiếc cằm V-line tự nhiên, an toàn. Mỗi chất liệu sẽ phù hợp với từng phương pháp tạo hình cằm khác nhau, dưới đây là một số chất liệu độn cằm phổ biến:
1. Độn cằm bằng sụn, xương hoặc mỡ tự thân
Khi chọn tạo hình cằm bằng phương pháp này, bạn sẽ sử dụng chính sụn, xương hoặc mỡ của cơ thể để tạo nên chất liệu độn cằm, cụ thể:
- Độn cằm bằng sụn tự thân: Bác sĩ thẩm mỹ sẽ can thiệp vào cấu trúc mô và xương, đồng thời sử dụng sụn tự thân (thường là sụn sườn) của khách hàng để tiến hành cấy ghép và điều chỉnh độ dài của phần cằm giúp cải thiện hình dáng cằm. Sụn tự thân có ưu điểm tương thích cao, hạn chế phản ứng phụ hay dị ứng. Vì vậy độn cằm bằng sụn tự thân rất phù hợp cho những người bị dị ứng với vật liệu nhân tạo.
- Độn cằm bằng xương tự thân: Đây là phương pháp dùng 1 phần xương cằm của chính khách hàng sẵn để tạo hình cằm V-line. Độn cằm bằng xương tự thân là kỹ thuật phức tạp cần phải được thực hiện bởi bác sĩ thẩm mỹ giàu kinh nghiệm để hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, không phải ai cũng có thể sử dụng xương tự thân để độn cằm, vì vậy bạn cần đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ thẩm mỹ tư vấn chi tiết.
- Độn cằm bằng mỡ tự thân: Để thực hiện kỹ thuật này bác sĩ sẽ sử dụng mỡ từ chính cơ thể khách hàng để tạo hình cằm. Mỡ tự thân dùng để tạo hình cằm thường là các tế bào mỡ được thu thập từ vùng đùi, vùng bụng,… Trước khi được cấy ghép vào cằm các tế bào mỡ này cần trải qua quá trình xử lý công nghệ cao. Để hạn chế gây tổn thương cho cơ thể, quá trình này cần được thực hiện bởi bác sĩ thẩm mỹ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.
2. Độn cằm bằng sụn nhân tạo
Sụn nhân tạo được sử dụng phổ biến trong ngành thẩm mỹ, đặc biệt là tạo hình cằm V-line. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như thời gian thực hiện nhanh chóng, không để lại sẹo ở nơi lấy sụn như khi dùng sụn tự thân, dễ dàng tạo hình gọt đẽo,… Hiện nay, các loại sụn nhân tạo dùng để tạo hình cằm phổ biến bao gồm:
- Sụn silicone: Đây là loại sụn có độ bền cao, được Bộ Y tế kiểm định về chất lượng vì vậy rất ít nguy cơ gây tác dụng phụ hoặc biến chứng hậu phẫu. Sụn silicone có tính an toàn và độ tương thích với cơ thể cao. Độn cằm bằng sụn silicone là phương pháp khắc phục hiệu quả tình trạng cằm lẹm, cằm ngắn,… được nhiều khách hàng ưa chuộng.
- Gore-Tex: Đây là vật liệu nhân tạo được ứng dụng thành công trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vùng mặt, phổ biến nhất là độn cằm. Gore-Tex là dạng xốp, trên bề mặt có nhiều lỗ nhỏ cho phép sự thâm nhập của hệ thống mạch máu tân tạo vào bên trong giúp cố định và tăng khả năng miễn dịch nhiễm trùng.
Sụn nhân tạo được ứng dụng phổ biến trong độn cằm thẩm mỹ là sụn Silicone và Gore-Tex
3. Độn cằm bằng filler
Khi tạo hình cằm bằng filler khách hàng không cần trải qua phẫu thuật như khi sử dụng các chất liệu độn cằm nêu trên. Filler là chất làm đầy dạng gel được bác sĩ thẩm mỹ tiêm trực tiếp vào vùng cằm. Filler độn cằm có tính an toàn cao, ít biến chứng, dễ thực hiện nhưng không tồn tại vĩnh viễn như các phương pháp độn cằm khác.
Độn cằm bằng filler dễ thực hiện, ít biến chứng tuy nhiên khách hàng cần thực hiện lại sau một thời gian nhất định
Trên đây là những thông tin chi tiết về các loại chất liệu tạo hình tự thân và vật liệu nhân tạo dùng để độn cằm phổ biến hiện nay. Nếu còn bất kỳ thắc mắc cần giải đáp, bạn nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ để được tư vấn chi tiết nhất.